Sinh viên, Sức khỏe giới tính, tình dục, Tuổi dậy thì

Vì sao bạn nữ lại có kinh nguyệt? Chu kỳ kinh nguyệt có 4 giai đoạn là những giai đoạn nào?

Một trong những đặc trưng về mặt sinh sản, sinh lý của bạn nữ đó chính là kinh nguyệt. Vậy vì sao bạn nữ lại có kinh nguyệt và chu lỳ kinh nguyệt gồm những giai đoạn nào là kiến thức cần được trang bị, để giúp bạn nữ hiểu hơn về bản thân. Bên cạnh đó nó còn là hành trang hỗ trợ bạn tự bảo vệ sức khỏe cho mình.

Kinh nguyệt là gì?

Kinh nguyệt là hiện tượng chảy máu hàng tháng, đó là một phần của chu kỳ kinh nguyệt. Nếu bạn có kinh nguyệt, chào mừng bạn gia nhập “Hội chị em sản xuất mứt Dâu”. Một giai đoạn phát triển khỏe mạnh đang chờ bạn khám phá.

Khi bạn có kinh lần đầu tiên, chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu, đây còn được gọi là ngày đầu của chu kỳ. Ra máu kinh là một giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt gồm bốn giai đoạn. Trong khi hành kinh, niêm mạc tử cung sẽ bong ra, thoát ra khỏi cơ thể qua đường âm đạo.

Vì sao bạn nữ lại có kinh nguyệt?

Hành kinh có 2 lý do:

  • Vì bạn nữ có thiên chức lớn lao là Làm mẹ. Trong chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể bạn nữ làm dày lớp niêm mạc tử cung. Cơ thể làm điều này để chuẩn bị cho khả năng mang thai có thể xảy ra. Bước đầu tiên của quá trình mang thai là phải có sự “gặp gỡ” giữa trứng của người nữ và tinh trùng của người nam.

Bước cuối cùng là để trứng này làm tổ vào niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung). Đây là lý do tại sao nội mạc tử cung cần phải đẹp và dày. Tuy nhiên, hầu hết các tháng, các bạn nữ không có thai. Do đó cơ thể không cần nội mạc tử cung dày, vì vậy nó sẽ loại bỏ ra khỏi cơ thể. Và bạn nữ có “dòng máu” chảy ra từ “cô bé”.

  • Thứ hai, bạn nữ có chu kỳ kinh nguyệt để tạo ra các hormone cần thiết cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Buồng trứng bên trong hệ sinh sản có vai trò quan trọng là tạo ra các hormone như estrogen và progesterone. Hormone sinh sản giúp xương chắc khỏe, tim hoạt động mạnh, điều hòa giấc ngủ, kiểm soát căng thẳng, tâm trạng, giúp cơ thể chống lại một số bệnh, tăng khả năng sinh sản và bảo vệ âm đạo khỏi nhiễm trùng.

Chu kỳ kinh nguyệt có 4 giai đoạn là những giai đoạn nào?

Giai đoạn hành kinh

Hành kinh là sự đào thải lớp niêm mạc dày của tử cung ra khỏi cơ thể qua đường âm đạo. Dịch kinh nguyệt chứa máu, tế bào từ niêm mạc tử cung và chất nhầy. Mỗi lần hành kinh của bạn nữ có thể kéo dài từ 3 – 7 ngày. Sử dụng băng vệ sinh hoặc tampon, cốc nguyệt san để thấm hút kinh nguyệt.

Giai đoạn nang trứng

Giai đoạn nang trứng bắt đầu vào ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt và kết thúc khi rụng trứng. Trong giai đoạn này vùng dưới đồi, tuyến yên tiết ra hormone kích thích nang trứng (FSH). Hormone này kích thích buồng trứng sản xuất khoảng 5 đến 20 nang trứng.

Mỗi nang trứng chứa một trứng chưa trưởng thành. Thông thường, chỉ một nang trứng phát triển thành trứng, trong khi những nang khác sẽ chết. Điều này có thể xảy ra vào khoảng ngày 10 của chu kỳ 28 ngày. Sự phát triển của các nang sẽ kích thích niêm mạc tử cung dày lên để chuẩn bị cho việc mang thai.

Giai đoạn rụng trứng

Rụng trứng là việc giải phóng một quả trứng trưởng thành từ bề mặt của buồng trứng. Điều này thường xảy ra giữa chu kỳ, khoảng hai tuần hoặc dài hơn 2 tuần trước khi bắt đầu hành kinh.

Ở giai đoạn nang trứng, nang trứng phát triển làm tăng mức độ estrogen. Vùng dưới đồi trong não nhận ra điều này và giải phóng một chất hóa học gọi là hormone phóng thích gonadotrophin (GnRH). Hormone này thúc đẩy tuyến yên sản xuất ra hormone hoàng thể (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH).

Trong vòng hai ngày, quá trình rụng trứng được kích hoạt khi mức LH tăng cao. Trứng được đưa vào ống dẫn trứng, đi về phía tử cung bằng những đợt phóng thích nhỏ. “Tuổi thọ” của trứng chỉ khoảng 24 giờ. Trong thời gian này nếu trứng không gặp tinh trùng để thụ tinh, nó sẽ chết.

Giai đoạn hoàng thể

Trong quá trình rụng trứng, trứng sẽ tách ra khỏi nang trứng, nang trứng đã vỡ vẫn nằm trên bề mặt của buồng trứng. Trong hai tuần tiếp theo hoặc lâu hơn, nang trứng biến đổi thành một cấu trúc được gọi là thể vàng. Cấu trúc này bắt đầu giải phóng progesterone, cùng với một lượng nhỏ estrogen. Sự kết hợp của các hormone này sẽ duy trì lớp niêm mạc tử cung dày lên, chờ trứng thụ tinh làm tổ (làm tổ).

Nếu trứng được thụ tinh làm tổ trong niêm mạc tử cung, nó sẽ tạo ra các hormone cần thiết để duy trì thể vàng. Thể vàng tiếp tục sản xuất progesterone cần thiết để duy trì lớp niêm mạc tử cung dày lên.

Nếu không có thai, thể vàng sẽ héo và chết, thường vào khoảng ngày 22 trong chu kỳ 28 ngày. Từ đó nồng độ progesterone giảm xuống, làm cho lớp niêm mạc tử cung bị bong ra. Giai đoạn hành kinh bắt đầu. Sau đó chu kỳ mới nối tiếp.

Lời kết

Đối với bạn nữ, hiểu vì sao mình có kinh nguyệt cũng như những giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt sẽ giúp bạn phần nào biết được cơ thể mình vận hành như thế nào. Những kiến thức này rất hữu ích cho việc dự định có con của bạn. Và nó không kém phần quan trọng trong sức khỏe tình dục, giới tính, vì nhờ vào đó bạn sẽ biết cách bảo vệ mình, hướng đến đời sống t.ình d.ục an toàn và lành mạnh.