Tình trạng ức chế tình dục là gì?
Ức chế tình dục hay tình trạng kìm nén xảy ra khi cá nhân ngăn cản bản thân cảm nhận những ham muốn tự nhiên của mình.
Một người bị ức chế có niềm tin và cảm xúc tiêu cực đối với chuyện “ân ái” một cách có ý thức hoặc vô thức. Cá nhân coi chuyện làm tình, ham muốn hoặc cảm xúc liên quan đến chuyện “gần gũi” là xấu xa, đáng xấu hổ hoặc sai trái.
- Những nguyên nhân dẫn đến ức chế tình dục
- Dấu hiệu của tình trạng ức chế tình dục
- Cảm thấy vô cùng “dị ứng” với “chuyện ấy”, chỉ cần nghe đến là khó chịu
- Tội lỗi hoặc xấu hổ sau khi quan hệ
- Khó tìm được khoái cảm khi “ân ái”
- Khó chịu với những kích thích
- Làm thế nào để xoa dịu, giải tỏa nỗi sợ, sự ức chế?
- Lời kết
Những nguyên nhân dẫn đến ức chế tình dục
Ở nhiều nền văn hóa, xã hội, môi trường sống, tình dục từ lâu đã được coi là một chủ đề cấm kỵ. Nhiều quan điểm, niềm tin cho rằng các hành vi “yêu”, ham muốn cần phải được loại bỏ. Sigmund Freud (1856-1939) đưa ra giả thuyết rằng tình trạng ức chế có thể đem lại những ảnh hưởng sức khỏe tinh thần nghiêm trọng. Trước hết, cùng tìm hiểu những nguyên nhân có thể dẫn đến ức chế “yêu”.
Tác động từ xã hội
Một số môi trường sống tạo rất nhiều tường ngăn với chuyện giới tính, tình dục. Trẻ em đến tuổi dậy thì, có những thay đổi trong cơ thể, não bộ, khiến chúng nảy sinh sự tò mò về vấn đề này. Nhưng khi đặt câu hỏi thì bị từ chối trả lời cũng như không được hướng dẫn tìm kiếm thông tin đúng đắn. Và cuối cùng chúng được hình thành những ánh nhìn tiêu cực cho “chuyện ấy”, kết quả chúng bị ức chế, bị sợ.
Đã từng có những cuộc “gặp gỡ” đau thương trong quá khứ
Những người từng trải qua chấn thương trong “chuyện ấy” có thể xem hành vi quan hệ hoặc bất kỳ hình thức thân mật nào với góc độ tiêu cực, sợ hãi hoặc né tránh. Những cảm xúc tò mò hoặc cởi mở đối với chuyện “ân ái” sẽ không còn. Sau đó, màn ngăn của cơn sợ đã kìm nén tất cả những động lực, ham muốn tự nhiên của họ. Nếu không được chăm sóc và chữa lành, cá nhân tiếp tục sử dung tình trạng ức chế để bảo vệ chính mình.
Dấu hiệu của tình trạng ức chế tình dục
Một người có thể bị tình trạng ức chế mà không hề hay biết. Tình trạng ức chế này dễ bị che đậy bởi những quan điểm của xã hội, môi trường sống của cá nhân.
Cảm thấy vô cùng “dị ứng” với “chuyện ấy”, chỉ cần nghe đến là khó chịu
Một trong những dấu hiệu dễ dàng thấy nhất của tình trạng ức chế là cảm giác khó chịu về các vấn đề liên quan đến giới tính, tình dục. Cá nhân có thể thấy rằng họ xấu hổ và không thể giữ được bình tĩnh khi nói về những vấn đề này.
Tất nhiên, một số bạn thấy khó chịu ở mức độ nhẹ khi thảo luận công khai về tình dục. Tuy nhiên, một số bạn sẽ phản ứng rất gay gắt như gạt bỏ hoàn toàn, xấu hổ, bực dọc, hay thậm chí là trầm cảm mỗi khi vô tình chạm đến các thông tin liên quan đến “chuyện ấy”.
Tội lỗi hoặc xấu hổ sau khi quan hệ
Tình trạng ức chế có thể lấy đi niềm vui và khoái cảm liên quan. Thay vào đó, đau buồn quá mức có thể xảy ra khi cố gắng làm hài lòng bạn tình trong “chuyện ấy”. Nước mắt chảy ra khi “yêu”, xấu hổ cùng sự chán nản với bản thân đều là những đặc điểm thể hiện khi bị ức chế.
Khó tìm được khoái cảm khi “ân ái”
Vì có những bức tường thành cùng khối đá nặng trong lòng nên cá nhân rất khó để tận hưởng những giây phút thân mật. Những bạn đang vật lộn với nỗi sợ thường sẽ lựa chọn chịu đựng, thay vì nói ra nỗi lòng của mình với bạn tình. Điều này có thể dẫn đến những vết thương lòng mới cho cả hai, đặc biệt là cá nhân đang phải gánh nỗi sợ khó bộc bạch với đối phương.
Khó chịu với những kích thích
Những bạn có sự ức chế “chuyện ấy” bên trong, thường sẽ khó chịu với tất cả kích thích, ví dụ như những ảnh khêu gợi. Bởi đó là cơ chế phòng vệ tự nhiên của cơ thể để cân bằng với nỗi sợ, sự ức chế. Chỉ cần tiếp xúc với các kích thích là họ cảm thấy bản thân rất đáng trách. Sự lo lắng, bất an chạy dọc suốt cơ thể, chế ngự tâm trí.
Làm thế nào để xoa dịu, giải tỏa nỗi sợ, sự ức chế?
Nếu được xoa dịu, chữa lành, giải tỏa nỗi sợ, cá nhân đang gặp tình trạng ức chế “chuyện ấy” có thể thấy lại niềm vui, sự thư thái với chuyện “ân ái”.
Nhận diện
Bạn không thể thay đổi điều gì đó mà không nhận ra nó cần được thay đổi. Chắc chắn giai đoạn ban đầu chấp nhận rằng mình đang sợ, đang ức chế “chuyện ấy” và muốn được chữa lành, thật không dễ chút nào. Tiếp theo là bạn đối diện với nỗi sợ, sự ức chế, làm rõ nó ảnh hưởng như thế nào đến bạn, đến chuyện “chăn gối” của bạn với bạn tình. Bước này lại càng khó hơn rất nhiều. Thực tế chỉ khi bạn đối mặt trực tiếp với cảm giác tiêu cực, bạn mới từ từ vượt qua.
Quá trình nhận diện không thể ngày một ngày hai, nó cần thời gian, cần sự nỗ lực từ bản thân. Chuyên gia sức khỏe có thể đồng hành với bạn để biết điều chỉnh tiến độ cho bạn nhận diện, đối mặt với tình trạng ức chế của bạn. Việc nhận diện cũng giúp bạn “lôi ra” được nguyên nhân gì dẫn đến việc bạn bị ức chế với “chuyện ấy”.
Chữa lành
Người trực tiếp chữa lành cho bạn không ai khác ngoài bạn. Giai đoạn này bạn sẽ dùng tình yêu thương của mình để ôm ấp lấy nỗi sợ, sự ức chế của mình. Tình cảm chân thành của bạn sẽ là liều thuốc tuyệt vời để làm tan chảy những gánh nặng trong lòng bạn.
Nói thì dễ, làm mới khó. Một cảm giác đang chống đối mình, nhưng mình phải yêu thương nó thì quả thật là một thử thách lớn của bản thân. Cơ mà, bạn buông được chỉ khi bạn thật sự buông với một trái tim rộng mở.
Bạn cũng rất cần có những người bạn tin tưởng, chuyên gia tư vấn hoặc người yêu của bạn ở bên.
Chia sẻ với người yêu – bạn tình của bạn
Sợ hay ức chế “chuyện ấy” là cảm giác khó chịu khi quan hệ. Để giải tỏa chữa lành, nó cần được nói ra. Khi bạn từng bước cởi mở được với người yêu – bạn tình của bạn, cũng là cách bạn bắt đầu buông nỗi sợ của mình xuống. Không dễ đúng không nào. Nhưng bạn xứng đáng được sống vui vẻ, và người yêu bạn cũng mong muốn điều đó. Nếu đối phương có cách hành xử không tử tế, thì bạn cũng chẳng cần giữ. Còn nếu người ấy sẵn sàng ở bên bạn, thì rất tuyệt vời để cả hai nắm tay nhau vượt qua nỗi sợ. Nhỉ?
Lời kết
Lăng kính sợ hãi, ức chế đang kìm nén bạn với “chuyện ấy”, có thể bắt nguồn từ quan điểm xã hội, môi trường bạn sinh sống hoặc từ tổn thương bạn phải trải qua trong quá khứ. Nếu nó đang ảnh hưởng đến cuộc sống, mối quan hệ của bạn thì bạn nên từng bước chia sẻ với người bạn tin tưởng, tìm kiếm chuyên gia sức khỏe để bạn được chữa lành. Chắc chắn cần thời gian để bạn buông được nỗi sợ, sự ức chế. Cứ chậm rãi thôi bạn. Nhé.
Bài viết xuất phát từ mong muốn đồng hành với nỗi sợ, sự ức chế của bạn. Không thể chỉ vài dòng có thể gỡ rối hết, chỉ hy vọng phần nào giúp bạn có thêm động lực để tìm cách chữa lành cho chính mình.
Và dĩ nhiên bài viết không thể thay thế các tư vấn, thăm khám lâm sàng tận tình của các chuyên gia sức khỏe, bạn nhé.
Nguồn thông tin
What Is Sexual Repression? Trên Verywellmind
Nguồn ảnh
Thiết kế Canva
Hiểu bản thân, yêu chính mình, tôn trọng đối phương và quan hệ lành mạnh
Đoan Thùy