Sinh viên, Sức khỏe giới tính, tình dục, Tình dục tử tế

Phải làm sao khi bạn có sự xấu hổ về tình dục?

Bạn muốn ngỏ lời chia sẻ về chuyện “yêu” với người thương nhưng lại cảm thấy lo lắng, ngại ngùng và xấu hổ. Sợ rằng đối phương sẽ đánh giá bạn “không tốt” hay “không ngoan”. Cảm giác này khiến bạn cứ mãi chần chừ chưa thể bày tỏ mong muốn của mình cũng như hỏi người ấy nghĩ gì về tình dục. Hay bạn thấy rằng tình dục là điều quá khó để bạn nói về. Phải làm sao đây? Và vì sao tình dục thường đi kèm với sự xấu hổ?

Tại sao tình dục cùng sự xấu hổ hay “song hành” với nhau?

Tình dục nhạy cảm bởi liên quan đến sự sinh sản, tác động về mặt tâm lý rất mạnh đến bạn nữ. Bên cạnh đó, nhiều quan điểm xã hội bao trùm sự “trong trắng, đức hạnh” lên nữ giới. Còn ở nam, thì chuyện “yêu” thường được cho rằng đó như một cách “chinh phục, thể hiện bản lĩnh”. Vì thế để bạn nữ lên tiếng “chủ động yêu” vô hình chung hình thành những ánh nhìn đánh giá, phán xét, và dán nhãn khắt khe, làm tổn thương không ít đến trái tim, tinh thần bạn nữ.

Tấn công tình dục vẫn luôn rất nhức nhối để lại những kết quả thương tâm. Tình dục cũng đã được sử dụng như một “công cụ” của quyền lực và sự kiểm soát Người nữ đã từng “bị xem” như món hàng hóa trao đổi. Tạo nên bức tường thành tự vệ tự nhiên ở nữ giới và thậm chí cả ở cả nam giới với hai chữ “tình dục”

Những bạn thuộc cộng đồng LGBT lại càng “áp lực” hơn trong chuyện “yêu”. Bởi không chỉ sự kỳ thị về giới tính mà cộng gộp cả chuyện “ân ái”, tạo nên những định kiến len lỏi vào sức khỏe tinh thần của các bạn rất nhiều.

Nên khi bạn muốn thay đổi để cởi mở văn minh về chuyện tình dục nó tạo ra khoảng trống giữa “sự mong muốn bản thân” và “sự kỳ vọng của xã hội”. Những tưởng những điều “ngoài kia” không “là gì” nhưng lại tạo nên “sự dồn ép” khiến bạn cứ mãi “xấu hổ và e dè” về tình dục.

Cảm giác xấu hổ về tình dục có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần như thế nào?

Mỗi chúng ta sống trong một cơ thể, và nó được tạo thành từ nhiều bộ phận liên kết với nhau, bao gồm cả cảm giác lẫn sức khỏe tinh thần. Cảm xúc của chính mình có thể có tác động đáng kể đến cách bản thân trải nghiệm các sự việc xảy đến với mình, cách tìm hiểu và xử lý thông tin. Điều này cũng đúng với tình dục. Một nghiên cứu gần đây về hoạt động tình dục chỉ ra rằng cảm giác tiêu cực có thể tác động không tốt đến đời sống “ân ái” của bạn. Xấu hổ cũng có thể dẫn đến việc tránh các thăm khám về sức khỏe sinh sản giúp bảo vệ chính mình.

Khi bạn cảm thấy an toàn về thể chất cũng như cảm xúc, bạn có thể tự do hơn để thử những điều mới, cởi mở hơn với những trải nghiệm trong cuộc sống và sẵn sàng chia sẻ một số phần nhạy cảm của bản thân. Điều này có thể bao gồm khám phá niềm vui, bản dạng giới và xu hướng tình dục.

Làm sao để buông “sự xấu hổ” về tình dục xuống?

Viết ra những suy nghĩ của bạn

Đầu tiên, phải xác định rõ sự xấu hổ về tình dục không nói lên bạn là người như thế nào. Đó là cảm giác đáng trân trọng của bạn.  

Vì thế, ghi lại nỗi lòng của mình trên giấy có thể giúp bạn tìm hiểu sâu hơn và xác định những cảm giác “xấu hổ” đến từ đâu. Bạn cũng có thể tự đặt câu hỏi về mục tiêu của mình. Bạn muốn điều gì về tình dục trong tương lai? Mối quan hệ tình cảm của bạn với người thương sẽ như thế nào? Và làm sao bạn có thể hướng tới những mong muốn đó một cách lành mạnh? Không cần phải chia sẻ với bất kì ai. Viết ra suy nghĩ của mình như cách bạn soi chiểu bản thân. Vì nhiều khi suy nghĩ trong đầu nó sẽ mãi mơ hồ cho đến khi bạn bày biện nó rõ ràng trên con chữ.

Hiểu, chấp nhận bản thân

Nghe thì ngắn gọn vậy nhưng điều này có thể bạn phải luyện tập hàng ngày trong suốt đời mình. Thoải mái với bản thân và cơ thể của bạn như là bước đầu tiên để đón nhận tình dục văn minh, tử tế.

Tìm hiểu về bản thân có thể khám phá bằng những cách khác nhau. Ví như, hẹn hò với chính mình. Mặc quần áo khiến bạn cảm thấy hấp dẫn, tự tin và có hình thể đẹp. Làm quen với bộ phận sinh dục của bạn bằng cách nhìn chúng trong gương. Khám phá những điều bạn cảm thấy tốt cho cơ thể như tự chạm vào bản thân.

Bạn phải là người cảm nhận những đường nét trong mình thật đẹp, bạn muốn trân trọng nó cũng như mong được “xúc chạm” với người thương mà bạn thấy xứng đáng. Thì lúc ấy bạn mới dần dần mở trái tim, tự tin chia sẻ quan điểm chuyện “yêu” của mình.

Tâm sự

Tâm sự cùng người bạn tin tưởng về chuyện thầm kín này.  Có những người tích cực có thể hỗ trợ bạn trong cuộc hành trình cởi mở hơn. Bạn sẽ có thêm những góc nhìn mới và văn minh để tự bản thân làm chủ chính mình trong chuyện “yêu”. Những suy nghĩ và cảm xúc tích cực mà bạn có về bản thân, cơ thể cũng như giới tính và tình dục sẽ đến với bạn khi bạn thật sự mong muốn điều đó.

Nhiều bạn từng có những người thân yêu có quan điểm tiêu cực về cơ thể và tình dục, khiến bạn khó thay đổi quan điểm của chính mình. Không sao cả, cứ chậm rãi thôi bạn, chẳng ai ép buộc bạn phải thay đổi liền. Chỉ đơn giản, nếu bạn nhận thấy mình cần tìm hiểu nghiêm túc, đàng hoàng về tình dục thì tự khắc trái tim, khối óc sẽ dẫn lối cho bạn.

Lời kết

Cảm giác xấu hổ về tình dục thật sự rất phổ biến. Bạn không phải là người duy nhất cảm thấy như vậy và bạn không cần cố gắng vượt qua những cảm giác đó một mình. Chấp nhận thực tế rằng mỗi cơ thể có hình dạng và hoạt động khác nhau. Cũng như tiêu chuẩn những gì tốt nhất cho bạn được xác định bởi chính bạn chứ không phải bởi xã hội. Bạn là “chuyên gia” về sự vận hành của mọi “ngóc ngách” trên cơ thể mình, Và từ đó từng bước chậm rãi buông xuống sự xấu hổ mà bạn muốn giải tỏa. Nhé.

Hiểu bản thân, yêu chính mình, tôn trọng đối phương và quan hệ lành mạnh

Đoan Thùy

Nguồn thông tin

How to Overcome Shame Around Sex | Psych Central

Nguồn ảnh: Thiết kế Canva + Ảnh nguồn trên Spun Out