Khi chẳng thể kết nối với cơ thể trong lúc “yêu”
“Tâm trí mình nó cứ đi lang thang, không tận hưởng được gì hết”
“Mình không cảm được gì, chẳng thể kết nối cơ thể lúc “yêu””
“Sao toàn thân cứ trơ ra…”
“Mình không kết nối được cảm xúc với bạn tình”
…
Thông thường bạn sẽ tận hưởng được sự thăng hoa khi “yêu” nhưng đôi lúc cảm giác tuyệt vời ấy “lạc” về nơi xa lắm mà bạn chẳng hiểu vì sao. Đó có thể được gọi là sự mất kết nối với việc “ân ái”.
Sự mất kết nối trong quan hệ tình dục là gì?
Sự mất kết nối được hiểu là sự gián đoạn trong ý thức, suy nghĩ, hay nhận thức với những gì đang diễn ra. Nó thường được kích hoạt bởi một trải nghiệm đau thương.
Những cảm giác mất kết nối khi quan hệ tình dục có thể:
- Cá nhân bị ngắt kết nối với cơ thể của chính mình
- Cảm giác mất kết nối với bạn tình và điều đang diễn ra khi “ân ái”
- Theo một nghiên cứu được công bố trên Archives of Sexual Behaviours, bạn nữ có đã có những tổn thương về tình dục trong quá khứ, thường dễ gặp sự mất kết nối hơn. Tuy nhiên, bất kỳ trải nghiệm căng thẳng hoặc lo lắng nào cũng có thể gây ra sự mất kết nối khi quan hệ tình dục.
Vì sao sự mất kết nối lại diễn ra?
Cơ thể khi cảm thấy không an toàn trong tình dục (không phải chỉ từ bạn tình mà có rất nhiều nguyên nhân), tạo ra sự mất kết nối để che chở cho chủ nhân không bị tổn thương thêm nữa. Đó có thể là bạn trải qua một chuỗi các sự kiện khó khăn, cơ thể gồng mình chống chọi, và quên mất “hỏi thăm” cảm xúc chất chứa bên trong, sự mất kết nối tự nhiên hình thành. Điều này như một “thông điệp” thông báo “Bạn ơi, bạn đang không ổn đấy, chậm lại để yêu lấy chính mình đi”.
Hay trước đây bạn từng “đau, rất đau” khi “yêu” ở một tư thế hay trong bối cảnh cụ thể, vô tình vào thời điểm “ân ái” gần nhất cơ thể bỗng “ngắt” hết mọi cảm giác của bạn. Bởi các tế bào “không đủ năng lượng” sẵn sàng cho buổi “lâm trận”.
Làm gì khi sự mất kết nối với “yêu” diễn ra?
Cái phản ứng đầu tiên của bản thân với sự mất kết nối có thể là lo lắng cho mối quan hệ của mình. Để tìm lại sự kết nối thì cá nhân cần chuyển từ lo lắng sang chấp nhận tình trạng của mình là cơ chế bảo vệ cho “chủ nhân”. Quá trình chuyển đổi này ngắn hay dài tùy vào sự vận hành vũ trụ bên trong mỗi người.
Bạn có thể cho mình sự tĩnh lặng
Lắng đọng, luyện tập tỉnh thức (chánh niệm) để bạn nói chuyện với chính bạn, đi vào sâu bên trong để tìm hiểu vì sao cơ thể lại “chống đối” bạn. Bạn “nghe” xem tâm khảm của bạn chia sẻ cho bạn điều gì. Có những cảm xúc đau thương nào bạn vô tình chôn giấu, chưa được xoa dịu. Khi bạn bắt đầu thực hành tỉnh thức, bạn dần tìm về kết nối giữa bạn với từng tế bào trên cơ thể. Có lúc chúng “giận” bạn hơi lâu nên bạn cần kiên nhẫn.
Lặng yên nghe cơ thể cũng giúp bạn luyện tập cho tâm trí cảm nhận trọn vẹn với những gì đang diễn ra. Và khi nó đi lang thang, bạn cũng nhận biết được, rồi nhẹ nhàng “chở” bạn ấy về.
Nói chuyện với đối phương
Sự mất kết nối của bạn trong chuyện “yêu” nên được chia sẻ với đối phương. Đừng cố gắng gồng mình giả vờ thăng hoa, bởi như thế cơ thể của bạn sẽ “đau” hơn rất nhiều. Sự mất kết nối có thể xảy ra một lúc khi “yêu”, hay kéo dài hơn. Dù trường hợp nào, cũng cần thẳng thắn với bạn tình. Như thế bạn mới làm đúng vai trò thiết lập đồng thuận cho chính cơ thể của mình, và cho mối quan hệ.
Bạn mất kết nối, bạn có thể “đẩy” một phần năng lượng này cho bạn tình nếu cứ mãi im lặng. Khi nói ra, cả hai sẽ bắt đầu hỗ trợ nhau về mặt tinh thần. Những hoạt động này đang giúp cho mỗi người thấy được khỏe hơn, được trân trọng hơn trong mối quan hệ. Khi cùng vượt qua sự mất kết nối, có thể gắn kết giữa các bạn lại càng sâu sắc hơn.
Chia sẻ với đối phương cũng là cơ hội để bạn tạo nên những ranh giới mới cho chuyện “yêu” của mình. Cơ thể bạn tự cảm nhận được sự an toàn, dần dần sẽ hình thành lại sự kết nối với việc “ân ái”.
Lời kết
Sự mất kết nối trong quan hệ tình dục có thể diễn ra ở bất kì thời điểm nào. Đó là cơ chế bảo vệ cho cơ thể không bị tổn thương thêm. Nếu cảm thấy bản thân không ổn, chậm lại một nhịp, cho mình khoảng không để được tĩnh lặng, chia sẻ với bạn tình những gì đang diễn ra. Vẫn thấy khó quá thì tìm sự hỗ trợ bạn nhé. Từ từ bạn sẽ kết nối lại được với chính mình và với người thương.
Hiểu bản thân, yêu chính mình, tôn trọng đối phương và quan hệ lành mạnh
Đoan Thùy
Nguồn thông tin:
2 Ways to Manage Dissociation During Sex | Psychology Today
Nguồn ảnh: Thiết kế Canva + Ảnh nguồn trên Metro News (Dissociation disorder made me feel like I was watching myself in a movie)