Sinh viên, Sức khỏe giới tính, tình dục

Đi tiểu sau khi “yêu” có thật sự quan trọng đến nỗi bắt buộc phải làm một “cuốc”?

Ở cả nam lẫn nữ, có những bạn đi tiểu sau khi “yêu” và điều đó trở thành thói quen. Một số bạn khác lại chẳng buồn “đi” tí nào. Vậy có nhất thiết phải đi vệ sinh sau khi quan hệ tình dục?

Câu trả lời là…

Không bắt buộc phải đi tiểu sau khi “yêu”. Nhưng nếu bạn “buồn” quá thì cứ đi thôi. Và nó cũng có lợi ích nhất định vì có một số giả thuyết lý luận, đi tiểu sau khi “yêu” giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường niệu

Đi tiểu sau khi “yêu” có thật sự ngăn ngừa nhiễm trùng đường niệu không?

Bạn nữ

Ở bạn nữ có khoảng cách giữa cửa âm đạo và lỗ niệu đạo rất ngắn. Vi khuẩn hoặc bất kỳ vi sinh vật nào khác tích tụ gần âm đạo sẽ không mất nhiều “công sức” để đến niệu đạo, đi vào cơ thể. Đó là một lý do chính tại sao, bạn nữ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn khi “ân ái’ và được “tận hưởng” thâm nhập sâu. Ngoài ra niệu đạo của bạn nữ nằm gần trực tràng nên dễ dàng truyền vi khuẩn từ hậu môn nếu bạn quan hệ qua “cửa sau” thần thánh. Nên một số nghiên cứu cho rằng việc đi tiểu sau khi “yêu” có thể giúp bạn nữ ngăn ngừa nhiễm trùng đường niệu bằng cách đẩy vi khuẩn ra ngoài.

Bạn nam

Còn ở bạn nam, nước tiểu và tinh dịch đi ra khỏi cơ thể qua cùng một ống niệu đạo. Tất nhiên, xuất tinh cùng đi tiểu không thể xảy ra một lúc. Khi bạn nam đi tiểu, niệu đạo sẽ được làm sạch khỏi những chất còn sót lại của tinh dịch. Ngoài ra, nó còn loại bỏ vi khuẩn có thể đã xâm nhập vào cơ thể bạn khi “yêu”. Nhưng trong khi xuất tinh, cơ thể bạn nam cũng đã có cơ hội đẩy vi khuẩn ra ngoài.

Hiện nay kết quả các nghiên cứu vẫn chưa nhất quán. Có một số nghiên cứu không tìm thấy bất kỳ mối quan hệ nào giữa việc đi tiểu sau khi “yêu” và ngăn ngừa nhiễm trùng đường niệu.

Như vậy nếu bạn muốn đi tiểu sau “ân ái” mặn nồng, cứ thoải mái thôi. Còn bạn không “mắc đi” thì không cần “ép” mình làm gì.

Nếu muốn đi tiểu sau khi “yêu” thì nên đi khi nào?

Bất cứ khi nào bạn muốn, không có thời gian cụ thể hay hướng dẫn y khoa nào quy định về “nhu cầu” của bạn. “Mắc đi” thì cứ đi cho thoải mái, cho nhẹ người. Nhé.

Nếu bạn không buồn “đi”sau khi quan hệ có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?

Thật sự là không. Không có quy tắc cứng nhắc bắt buộc về việc này. Như đã chia sẻ, đi tiểu sau khi quan hệ có thể giúp bạn phần nào làm sạch ống niệu đạo, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường niệu.

Vậy vì sao có cảm giác buồn “đi” trong khi “yêu”?

Ở bạn nữ, có mô bao quanh niệu đạo, được gọi là mô xốp niệu đạo. Nó tương tự như mô cương dương được tìm thấy trong dương vật của nam. Trong quá trình kích thích mô này căng lên và trở nên nhạy cảm hơn. Điều đó có thể gây áp lực lên niệu đạo và gây ra cảm giác “phải đi tiểu”.

Đi tiểu sau khi “yêu” có ngăn ngừa được sự lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục không?

STDs hoặc STIs thường lây truyền khi một người bị nhiễm bệnh trao đổi chất dịch cơ thể của mình (không phải nước bọt) với người khỏe mạnh. Sự trao đổi chất dịch này dễ dàng xảy ra khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc hậu môn. Đối với bạn nữ ống âm đạo khác với lỗ niệu đạo, đi tiểu sau khi quan hệ tình dục không ngăn ngừa được bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đối với nam, vi khuẩn STI xâm nhập vào cơ thể qua lớp màng niệu đạo nam. Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục thậm chí có thể xâm nhập vào da vì chúng rất nhỏ.

Do đó, việc đi tiểu sau khi quan hệ tình dục không mang lại lợi ích nhiều trong việc ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở cả nam và nữ. Biện pháp tốt nhất để bảo vệ bạn, bạn tình khỏi STIs là dùng bao cao su, vệ sinh sạch sẽ sau khi quan hệ.

Đi tiểu sau khi quan hệ có giảm khả năng tránh thai không?

Không. Ở nữ, con đường dẫn đưa tinh trùng đến gặp trứng và nước tiểu đi ra ngoài là khác nhau. Tinh dịch được lắng đọng bên trong ống âm đạo, chiến binh tinh trùng bắt đầu bơi về phía tử cung, nơi có trứng. Vì vậy, đi tiểu không giảm khả năng mang thai, hay có tác dụng tránh thai khi quan hệ tình dục không an toàn.

Lời kết

Đi tiểu sau khi “yêu” không phải là điều bắt buộc. Tùy thuộc vào “nhu cầu” của mỗi cá nhân. Vì thế cứ thoải mái “giải quyết” nếu bạn buồn “đi”. Còn thấy không có gì cũng chẳng có gì phải lo lắng. Quan trọng nhất vẫn là quan hệ an toàn và vệ sinh sạch sẽ sau khi “yêu”.

Hiểu bản thân, yêu chính mình, tôn trọng đối phương và quan hệ lành mạnh

Đoan Thùy

Nguồn thông tin

1/ Peeing After Sex: Is It Really Necessary? Pregnancy, UTIs, and More (healthline.com)

2/ Peeing After Sex: Why You Should Always Do It (verywellhealth.com)

3/ Do you pee after sex? Is peeing after sex important? | Metromale Clinic & Fertility Center

Nguồn ảnh: Thiết kế Canva + Ảnh nguồn trên Flo