Sức khỏe giới tính, tình dục

Cổ tử cung di chuyển lên xuống như thế nào ở các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt?

Cổ tử cung của bạn “đam mê xê dịch” nhiều lần trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Mỗi sự thay đổi vị trí đều gắn liền với một giai đoạn cụ thể trong chu kỳ kinh nguyệt cùng sự thay đổi nội tiết tố. Vậy tại sao cổ tử cung lại thích “phiêu lưu” đến thế?

Cổ tử cung, “cô nàng” chăm chỉ trong “làng” bộ phận sinh sản

Cổ tử cung là một “cô nàng” làm việc chăm chỉ. “Cô ấy” tiết ra chất nhờn giúp các tế bào tinh trùng đi từ ống âm đạo đến tử cung, đồng thời cũng giúp máu kinh chảy ra ngoài. Khi bạn nữ có thai, “cô ấy” khá nhanh nhẹn trong việc phát triển nút nhầy, ngăn vi khuẩn cũng như nhiễm trùng xâm nhập vào tử cung, bảo vệ em bé của bạn.

Làm thế nào để “sờ” cổ tử cung

Bạn có thể sờ thấy cổ tử cung bằng cách nhẹ nhàng đưa ngón tay sạch hoặc đeo găng tay vào sâu trong âm đạo (đảm bảo rằng móng tay không có bất kỳ cạnh sắc hoặc lởm chởm nào dễ gây tổn thương). Sử dụng chất bôi trơn có thể làm cho việc này thoải mái hơn.

  • Làm rỗng bàng quang (đi tiểu) trước khi bắt đầu.
  • Rửa tay thật sạch
  • Tìm vị trí sao cho bạn có thể tiếp cận cổ tử cung một cách thoải mái nhất
  • Nếu bạn muốn thực sự nhìn thấy cổ tử cung của mình, hãy đặt một chiếc gương trên bên dưới xương chậu
  • Đưa ngón trỏ hoặc ngón giữa của bàn tay thuận vào âm đạo
  • Cảm thấy ở giữa cổ tử cung của bạn có một vết lõm nhẹ

Để chắc chắn hơn bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về cách thực hiện, đảm bảo bạn không gây tổn thương vùng kín của mình. Mục đích chính của việc “cảm nhận” cổ tử cung là giúp bạn nữ phần nào biết được giai đoạn rụng trứng để có kế hoạch thụ thai.

“Sự di chuyển linh hoạt” đầy thông minh của cổ tử cung trong các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt

Cổ tử cung trong thời kì hành kinh

Cổ tử cung sẽ “dang rộng” trong giai đoạn này để máu kinh, các tế bào niêm mạc tử cung được đẩy ra ngoài.  Cổ tử cung thường hạ thấp về phía lỗ mở âm đạo để đường đi của máu kinh được dễ dàng hơn. Bạn nữ có thể cảm nhận được sự thay đổi này khi đang hành kinh.

Cổ tử cung trong giai đoạn nang trứng, sau khi hành kinh

Sau khi hành kinh, cổ tử cung vẫn ở vị trí “hậu vệ” gần “khung thành” lỗ âm đạo. Trong giai đoạn nang trứng, cơ thể bạn nữ chuẩn bị cho niêm mạc tử cung dày lên để trứng đã thụ tinh bám vào. Nồng độ estrogen lúc này thấp nên cổ tử cung của bạn thường săn chắc hơn.

Cổ tử cung khi rụng trứng

Khi bạn đang rụng trứng, nồng độ estrogen của bạn tăng lên, làm cho niêm mạc tử cung của bạn dày lên. Cổ tử cung cũng mềm mại hơn. “Cô ấy” bắt đầu thay đổi vị trí, lên đến đỉnh âm đạo, tiến về phía tử cung nhiều hơn. Bạn cũng có thể nhận thấy lượng chất nhầy cổ tử cung tăng lên, thoát ra âm đạo trong thời kỳ rụng trứng. Chất nhầy cổ tử cung này thúc đẩy sự “sống sót” của tinh trùng. Từ vị trí thay đổi đến lượng chất nhầy của cổ tử cung đều phục vụ cho việc tăng cơ hội gặp gỡ giữa tinh trùng với trứng để thụ tinh.

Cổ tử cung giai đoạn thể vàng, sau rụng trứng

Cổ tử cung hạ xuống, về phía xa cơ thể để chuẩn bị cho sự hành kinh. Giai đoạn thể vàng, nồng độ estrogen giảm, nhưng có progesterone giữ cho niêm mạc tử cung dày để làm chỗ neo đậu cho trứng thụ tinh. Cổ tử cung của bạn có thể vẫn còn mềm, chỉ là hơi săn lại một chút. Chất nhầy cổ tử cung trở nên đặc hơn và có màu hơi đục.

Cổ tử cung có thể thay đổi khi được kích thích tình dục hay đạt cực khoái

Bạn có thể cảm nhận cổ tử cung ở trạng thái khác nhau của chu kỳ phản ứng tình dục: thư giãn, cảm thấy ham muốn, gần đạt cực khoái và trong khi đạt cực khoái.

Lúc được “bật hứng” thật sự, bạn nữ có thể nhận thấy rằng cổ tử cung xa hơn so với cửa âm đạo của bạn. Đó là bởi vì tử cung của bạn được kéo lên và âm đạo của bạn dài ra khi bạn cực kỳ hưng phấn về tình d.ục Trong khi đạt cực khoái, cổ tử cung của bạn có thể cảm thấy như đang nhấp nhô qua lại.

“Sự hỗ trợ nhiệt tình” của cổ tử cung trong thời kì mang thai

Cổ tử cung trong thời kì đầu mang thai

Thời kì đầu mang thai, cổ tử cung của bạn sẽ ở vị trí cao và khá mềm. Cổ tử cung được đóng suốt thời gian bạn nữ mang thai, để bảo vệ em bé, và bắt đầu mở ra khi chuẩn bị sinh. Mọi người nói về sự giãn nở lúc chuyển dạ, đó là cổ tử cung.

Cổ tử cung trong thời gian cuối của thai kì

Vào gần cuối giai đoạn 3 tháng cuối thai kì, em bé của bạn bắt đầu tụt xuống, gây áp lực lên cổ tử cung. Điều này làm cho cổ tử cung mỏng hơn và giãn ra chuẩn bị cho sự sinh nở.

Cổ tử cung sau khi sinh em bé

Khi tử cung của bạn bắt đầu trở lại kích thước trước khi mang thai, cổ tử cung có thể vẫn hơi mở trong một thời gian. Một số bạn nhận thấy rằng cổ tử cung vẫn mở hơn so với trước khi sinh con qua đường âm đạo. Cổ tử cung thường sẽ cao dần cho đến khi đạt đến vị trí ổn định nhất sau khi sinh. Nó cũng sẽ bắt đầu rắn chắc lại theo thời gian.

Lời kết

Khám phá sự “phiêu lưu” của cổ tử cung giúp bạn phần nào kết nối với có thể mình tốt hơn. Vị trí lên xuống của cổ tử cung cho bạn cơ hội biết được thời gian rụng trứng của mình để tăng khả năng thụ thai khi có kế hoạch có em bé. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn.

Hiểu bản thân, yêu chính mình, tôn trọng đối phương và quan hệ lành mạnh

Đoan Thùy

Nguồn thông tin

1/ How to Check Your Cervix for Pregnancy and Fertility (verywellfamily.com)

2/ Cervix Before Period: How to Check, Changes Throughout Cycle, More (healthline.com)

3/ Cervix Positions Explained | High & Low Cervix | Natural Cycles

4/ Cervical Health 101: Exploring Your Cervix for Health and Pleasure (plannedparenthood.org)