Sức khỏe giới tính, tình dục, Tuổi dậy thì

Bạn nữ xuất hiện kinh nguyệt lần đầu tiên khi nào?

Đối với các bạn nữ, một điều khá đặc biệt đánh dấu giai đoạn phát triển mới đó là xuất hiện kinh nguyệt. Câu hỏi khi nào mình có kinh nguyệt lần đầu tiên sẽ là một trong những lo lắng tự nhiên của các bạn. Hãy cùng bài viết tìm hiểu vấn đề này nhé các cô gái. 

Bạn nữ xuất hiện kinh nguyệt lần đầu tiên khi nào?

Thông thường lần đầu tiên bạn nữ có kinh khi ở trong giai đoạn dậy thì. Không có một thời điểm chính xác quy định lúc nào thì các bạn nữ có kinh nguyệt lần đầu tiên. Với một số bạn bắt đầu là khi các bạn lên 8, cũng có một số bạn đến 16 tuổi mới có kinh nguyệt. 

Mặc dù không thể dự đoán thời gian xuất hiện kinh nguyệt lần đầu tiên nhưng sẽ có một số thay đổi trên cơ thể cho thấy cô gái của chúng ta sắp bước sang giai đoạn phát triển mới, chuẩn bị có kinh nguyệt.

  • Ngực phát triển
  • Lông mọc ở vùng mu âm hộ (cô bé ở giữa hai chân mọc lông)
  • Mông nở hơn
  • Chiều cao tăng lên
  • Có dịch ở âm đạo

Những thay đổi về cơ thể có thể giúp nhận biết lần đầu tiên xuất hiện kinh nguyệt

Các cô gái cùng xem cơ thể mình sẽ có những thay đổi chính nào khi bước vào tuổi dậy thì nhé.

Ngực

Những thay đổi về ngực của bạn nữ có thể là điều đầu tiên nhận thấy khi các bạn bước vào dậy thì. Vào giai đoạn dậy thì, ngực bạn nữ bắt đầu phát triển bằng việc xuất hiện một khối nhỏ nổi gồ lên bên dưới núm vú và quầng vú, đó được gọi là chồi vú. Sau đó quầng vú lớn hơn, bắt đầu phồng lên. Sự thay đổi có thể xảy ra ở cả hai bên vú cùng một lúc hoặc chỉ một bên, bên còn lại có thể 6 tháng sau mới phát triển. 

Núm vú, quầng vú, nốt sầng Montgomery
Nguồn ảnh: Clue

Hầu hết các bạn nữ có kinh lần đầu tiên sau 2-3 năm kể từ khi vú bắt đầu phát triển. Nếu các chồi vú của bạn nở hơn vào khoảng 8 hoặc 9 tuổi, thì có thể 3 năm sau bạn có kinh lần đầu. Nếu chồi vú của bạn phát triển muộn hơn chẳng hạn như khi bạn 13 tuổi, thì có thể một năm sau bạn nữ bắt đầu có kinh.

Khi tuyến vú của bạn nữ bắt đầu phát triển thì toàn bộ cơ thể cũng sẽ thay đổi rất nhiều. 

Lông mọc ở vùng mu âm hộ (cô bé ở giữa hai chân mọc lông)

Sau khi nhú vú, bạn nữ có thể nhận thấy những dấu hiệu đầu tiên của lông mu. Ban đầu chỉ có một vài sợi lông dài mọc lên. Bạn sẽ mọc nhiều lông mu hơn theo thời gian và lông đó sẽ xoăn hơn, dày hơn, trải dài về phía đùi của bạn. Có khả năng bạn sẽ thấy một ít lông mu trước khi ngực bắt đầu phát triển

Khi lông mu xuất hiện cùng với sự phát triển của ngực, bạn nữ sẽ có kinh lần đầu tiên sau đó 6 – 12 tháng hoặc có thể dài hơn.

Lông nách của bạn nữ bắt đầu mọc trong khoảng thời gian bắt đầu có kinh hoặc ngay trước đó. 

Pubic Hair: 5 Things to Know About Pubes, According to Experts
Lông mu mọc ở vùng âm hộ
Nguồn ảnh: Seventeen

Thân hình

Cơ thể của bạn nữ cũng thay đổi nhanh chóng trước khi bắt đầu có kinh. Giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất có thể là khoảng sáu tháng đến một năm trước kỳ kinh đầu tiên (đây là trường hợp của hầu hết các bạn nữ, nhưng đối với một số bạn, nó có thể xảy ra vào hai năm trước hoặc thậm chí sau kỳ kinh đầu tiên). 

Chiều cao thay đổi nhanh chóng và sau đó bắt đầu chậm lại, thì kỳ kinh đầu tiên của bạn có thể đang đến gần.

Mông nở hơn, đầy đặn hơn

Cùng với những thay đổi về chiều cao và cân nặng của bạn, việc kích thước quần của bạn lớn hơn khi mông của bạn mở rộng cũng là điều bình thường. Một số bộ phận trên cơ thể bạn sẽ béo, tròn hơn. Bạn có thể nhận thấy điều này bắt đầu vào khoảng thời gian các chồi vú của bạn bắt đầu phát triển.

Toàn bộ khu vực dưới của bụng được gọi là khung chậu. Âm đạo, tử cung và buồng trứng của bạn ở trong đó, cũng phát triển về kích thước. Thời gian chính xác về sự phát triển của từng bộ phận là hoàn toàn khác nhau giữa các bạn nữ. 

Dịch âm đạo

Sau khi ngực bắt đầu phát triển, bạn nữ có thể nhận thấy sự xuất hiện chất dịch trong âm đạo, cảm thấy ẩm ướt hơn trước một chút. Một số bạn sẽ có điều này khoảng 6 -12 tháng trước kỳ kinh đầu tiên. Nó có thể sẽ là một chất lỏng loãng, màu trắng, không có nhiều mùi.

Các hormone trong cơ thể bạn nữ sẽ lên xuống theo từng chu kỳ. Điều này làm thay đổi chất dịch chảy ra từ âm đạo của bạn. Đôi khi sẽ có nhiều chất dịch hơn, đôi khi ít hơn. Chất dịch cũng sẽ có đặc tính khác nhau vào những thời điểm khác nhau trong chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Nó có thể trông giống như dạng kem trong một vài ngày, hoặc trong như lòng trắng trứng. Đối với một số bạn nữ có thể khó nhận thấy những thay đổi này cho đến khi trải qua nhiều chu kỳ kinh nguyệt.

Icon

Description automatically generated
Âm đạo xuất hiện chất dịch
Nguồn ảnh: Breast, Clue

Kỳ kinh đầu tiên kéo dài bao lâu?

Các kỳ kinh thường kéo dài từ ba đến bảy ngày. Những ngày kinh nguyệt ra nhiều nhất thường là vào đầu chu kỳ kinh nguyệt – ngày đầu tiên và ngày thứ hai. Nhưng kỳ kinh đầu tiên thường không dài như vậy.

Phải mất vài tháng để cơ thể bạn nữ ổn định với lịch trình đều đặn và nhất quán của kinh nguyệt. Một vài kỳ kinh đầu tiên có thể kéo dài từ hai đến năm ngày. Nó sẽ trở nên đều hơn khi các hormone ổn định. Bên cạnh đó, thời gian đầu, bạn nữ có thể không bị chảy máu nhiều mà chỉ có thể là một vài đốm máu màu nâu đỏ.

Những cơn đau trong lúc có kinh là gì?

Những cơn đau khi có kinh là do sự co thắt của tử cung. Sự co thắt được tạo ra bởi một chất hóa học trong cơ thể gọi là prostaglandin. Sự co bóp của các cơ giúp đẩy máu ra ngoài qua âm đạo trong kỳ kinh nguyệt, nó kéo theo những cơn đau.

Những cơn đau trong lúc có kinh có thể là đau bụng hoặc đau lưng. Một số bạn không bị như vậy nhưng có các triệu chứng thể chất khác như đau đầu. 

Các triệu chứng phổ biến xuất hiện trước kỳ kinh đầu tiên

Trước kỳ kinh, thường một hoặc hai tuần, bạn nữ có thể bắt đầu cảm thấy các triệu chứng tiền kinh nguyệt. Đây là tổ hợp các triệu chứng khác nhau mà bạn nữ gặp phải, phần lớn nó không nghiêm trọng.

  • Mụn
  • Chướng bụng
  • Đau ở vú 
  • Đau lưng
  • Táo bón
  • Tiêu chảy
  • Mệt mỏi
  • Cảm thấy dễ xúc động hoặc cáu kỉnh
  • Thèm đồ ngọt
  • Tiết dịch âm đạo trong hoặc trắng 

Lời kết 

Mỗi bạn nữ sẽ có kinh nguyệt lần đầu tiên khác nhau. Nếu có bất kì trăn trở nào, bạn có thể trò chuyện với mẹ hay chị gái của mình. Cơ thể của bạn sẽ có những thay đổi khiến bạn khó chịu khi chuẩn bị có kinh nguyệt hoặc trong thời gian có kinh. Trang bị cho mình kiến thức, sự thoải mái để đón nhận những phát triển tuyệt vời của cơ thể mình bạn nhé. 

Chúc các bạn nữ luôn vui vẻ, khỏe mạnh, và xinh đẹp theo cách của riêng mình.

Nguồn thông tin

  1. Anna Druet and Ket Wenger (2019). When will I get my first period?. Clue
  2. When Will I Get My First Period?. Kid crew
  3. When Will I Get My Period?. Kid Health
  4. Sanfilippo, J. S., & Jamieson, M. A. (2008). Physiology of puberty. Gynecology and Obstetrics, 5.
  5. Aksglaede, L., Sørensen, K., Petersen, J.H., Skakkebæk, N.E. and Juul, A., 2009. Recent decline in age at breast development: the Copenhagen Puberty Study. Pediatrics, 123(5), pp.e932-e939.
  6. Martí-Henneberg, C. and Vizmanos, B., 1997. The duration of puberty in girls is related to the timing of its onset. The Journal of pediatrics131(4), pp.618-621.
  7. Parent, A.S., Teilmann, G., Juul, A., Skakkebaek, N.E., Toppari, J. and Bourguignon, J.P., 2003. The timing of normal puberty and the age limits of sexual precocity: variations around the world, secular trends, and changes after migration. Endocrine reviews, 24(5), pp.668-693.
  8. Susman, E.J., Houts, R.M., Steinberg, L., Belsky, J., Cauffman, E., DeHart, G., Friedman, S.L., Roisman, G.I. and Halpern-Felsher, B.L., 2010. Longitudinal development of secondary sexual characteristics in girls and boys between ages 9½ and 15½ years. Archives of pediatrics & adolescent medicine, 164(2), pp.166-173.
  9. Karlberg, J., 2002. Secular trends in pubertal development. Hormone research in Pediatrics, 57(Suppl. 2), pp.19-30.
  10. Biro, F.M., Huang, B., Crawford, P.B., Lucky, A.W., Striegel-Moore, R., Barton, B.A. and Daniels, S., 2006. Pubertal correlates in black and white girls. The Journal of pediatrics, 148(2), pp.234-240.
  11. Jones, R.E. and Lopez, K.H., 2013. Human reproductive biology. Academic Press
  12. Hickey, R.J., Zhou, X., Settles, M.L., Erb, J., Malone, K., Hansmann, M.A., Shew, M.L., Van Der Pol, B., Fortenberry, J.D. and Forney, L.J., 2015. Vaginal microbiota of adolescent girls prior to the onset of menarche resemble those of reproductive-age women. MBio, 6(2), pp.e00097-15.
  13. Biro, F.M. and Chan, Y.M., 2017. Normal puberty. UpToDate Duryea TK, Snyder PJ, Geffner ME. MA: Upto Date Waltham.
  14. Hoffman, B. and Bradshaw, K.D., 2003. Delayed puberty and amenorrhea. In Seminars in reproductive medicine (Vol. 21, No. 04, pp. 353-362). Copyright© 2003 by Thieme Medical Publishers, Inc., 333 Seventh Avenue, New York, NY 10001, USA. Tel.:+ 1 (212) 584-4662.

Hiểu bản thân, yêu chính mình, tôn trọng đối phương và quan hệ lành mạnh

Đoan Thùy